Nhiễm độc gan, viêm gan – lời báo động cho người hay sử dụng rượu bia: Theo kết quả điều tra diện rộng của Bộ Y tế, tính đến tháng 1/2016 Việt Nam tiêu thụ khoảng 3,4 tỉ lít (năm 2010 là 2,4 tỉ lít) và 70 triệu lít rượu có nhãn mác, chưa kể khoảng 200 triệu lít rượu tự nấu trong dân. Đáng lưu ý, có đến 77,3% nam giới sử dụng rượu bia, đây là con số cao nhất thế giới, gấp gần 2 lần mức trung bình. Đối với những ai chưa biết hoặc còn cho đó là “chuyện nhỏ” thì nên biết thêm: “3,3 triệu ca tử vong mỗi năm là do việc sử dụng rượu bia ở mức có hại (harmful use of alcohol), chiếm 5,9% tất cả các trường hợp tử vong trên toàn thế giới.”
Việc sử dụng rượu bia ở mức có hại là một nguyên nhân chính trong hơn 200 loại bệnh tật và tình trạng chấn thương. Nếu bạn biết gan là nơi “gánh” trọng trách thải độc thì với lượng rượu bia “nạp” vào quá mức, chẳng những gan không thải nổi mà còn nhiễm độc tế bào gan và viêm gan là điều không thể tránh khỏi.
Theo các chuyên gia y tế, chức năng của gan là tham gia quá trình tiêu hóa, hấp thụ thức ăn tạo ra các chất quan trọng cho cơ thể, chuyển hóa các hoạt chất thuốc chữa bệnh, lọc máu, giải độc, bài tiết các độc tố từ cơ thể ra ngoài. Khi vào cơ thể rượu được chuyển hóa thành acetaldehyd, rất độc đối với gan. Hiệp hội Gan – Mật (Mỹ) khuyến cáo, nếu uống 1/3 lít rượu mỗi ngày trong một thời gian dài, lượng acetaldehyd sinh ra nhiều, vượt quá khả năng chuyển hóa của gan thì nhiễm độc tế bào gan, viêm gan là điều không tránh khỏi. Viêm gan do rượu phụ thuộc vào cơ địa từng người (có người bị sau 1 năm nghiện rượu, có người sau cả chục năm mới bị).
Khi tế bào gan bị viêm và hư hại kéo dài khiến các tế bào chết dần sẽ được thay thế bằng các mô xơ và bắt đầu cho quá trình xơ gan. Khoảng 12-20% số người dùng 120g cồn/ ngày sau 10 năm sẽ bị xơ gan. Thời gian uống rượu càng dài, lượng rượu uống càng nhiều thì càng tăng tỉ lệ xơ gan. Xơ gan do rượu nặng thêm nếu đồng thời bị nhiễm virut. Khi đã bị xơ gan thì việc ngưng uống rượu cũng khó cứu được lá gan trở lại trạng thái ban đầu. Gan nhiễm mỡ là giai đoạn sớm nhất của bệnh gan do rượu.
Rượu khi vào cơ thể sẽ được hấp thu trực tiếp vào máu mà không cần phải thông qua quá trình tiêu hóa như các loại thức ăn khác. Cơ thể sẽ hoạt động thải rượu ra ngoài ngay khi được hấp thu vào máu, một phần nhỏ được thải ra qua tuyến mồ hôi, nước tiểu, hơi thở, đa số còn lại (khoảng 90%) sẽ được chuyển hóa ở gan . Quá trình đào thải này hoạt động tốt khi có men xúc tác NAD (nadnicotintamid – ademin – dinuclentid) do gan sản xuất với số lượng hạn chế, chỉ đủ khả năng chuyển hóa khoảng 7g ethanol/giờ (tương đương khoảng 1 lon bia hoặc 30ml rượu 50 độ). Khi uống nhiều hơn mức độ trên, lượng cồn sẽ tích tụ gây độc cho cơ thể. Đặc biệt, gan là cơ quan chịu tác động trực tiếp, các độc tố này làm tăng nồng độ men gan, làm tổn thương tế bào gan.
Theo các chuyên gia y tế, viêm gan do rượu có thể gây tử vong, nhất là những người đã có bệnh gan từ trước. Hình ảnh lâm sàng ở những bệnh nhân viêm gan do rượu rất thay đổi từ không có triệu chứng nào đến tổn thương gan nặng nề gây nguy hiểm đến tính mạng với tỉ lệ tử vong cao. Nguyên nhân tử vong thường do tăng áp lực tĩnh mạch cửa, biến chứng giãn tĩnh mạch thực quản dẫn đến nôn ra máu ồ ạt, không cầm được sẽ dẫn đến tử vong nhanh chóng.