0
Following
1
Follower
0
Boost

Đàn Guitar Classic và những điều nên biết

Đàn guitar classic là loại đàn đã ra đời từ rất lâu rồi, và quê hương của nó là ở Tây Ban Nha, hiện nay đôi khi chúng ta vẫn gọi là Tây Ban Cầm là vì thế. Đặc điểm của loại Đàn guitar classic này là cần đàn rộng, có 12 phím, thùng đàn tròn, và sử dụng dây nilong. Vì sao lại sử dụng dây nilong, cũng có nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ là do dòng nhạc mà các nghệ sỹ hay dùng với loại này là nhạc cổ điển, dây nilong trầm phù hợp hơn là dây sắt chăng? Qua nhiều thời gian, nhưng về cơ bản thì Đàn guitar classic không thay đổi nhiều về hình dáng cũng như kết cấu của đàn. Classic, không chỉ nói về dòng nhạc, mà còn ám chỉ cả về kiểu cổ điển ít thay đổi của cây đàn. Đàn guitar classic có đệm hát được không? Một số bạn mới tập chơi cho rằng, chỉ Guitar Acoustic mới chơi được đệm hát còn Guitar Classic thì không, Classic chỉ chơi độc tấu. Đây là một nhận định sai bởi 2 loại đàn này đều có thể độc tấu và đệm hát. Tuy nhiên tiếng đàn nào phù hợp với kiểu chơi nào mới là điều quan trọng. Đàn Classic hoàn toàn có thể sử dụng để bạn đệm hát, ví dụ như những bài hát mang hơi hướng cổ điển trầm ấm, nhẹ nhàng nghe rất hợp và hay. Cấu tạo và thiết kế đàn

Luthier Cường: Nghệ nhân làm đàn Guitar tài hoa

Chợt như nghe Bach, Mozart cất giọng giữa chợ đời… Phía sau khung cửa sắt, tiếng guitar cất lên réo rắt, rộn ràng. Những chuyển động liên tục của hợp âm đồng dạng chạy trên nền dây buông – một kỹ thuật mới trong guitar cổ điển mang phong cách của H.V.Lobos. Tôi không vội bấm chuông. Bên ngoài trời nắng nóng, nhưng tiếng đàn Guitar vẫn rất hấp dẫn, không ngừng ngân vang trong căn nhà nhỏ, lúc thì khúc dạo đầu mượt mà trong tổ khúc số 4 J.S.Bach viết cho violon, được ai đó đã chuyển soạn cho guitar có cấu trúc rất tinh vi; khi thì khúc Variations tươi vui, pha một chút buồn ở cung Mi trưởng của thần đồng Mozart. Người chơi, tôi đoán là một tay có hạng trong làng guitar cổ điển Sài Gòn. Cư dân trong con hẻm nhiều quẹo trái, quẹo phải nằm phía sau chợ Cây Quéo, P.5, Q.Bình Thạnh, TP.HCM đã quá quen thuộc với những âm thanh ấy. Anh Cường tiếp chúng tôi với cây đàn guitar vừa mới ráp xong, chưa đánh bóng. Giới guitar thường gọi anh là Luthier Cường. Cái tên Luthier là do nhạc sĩ Phùng Tuấn Vũ đặt cho Cường cách đây khá lâu khi Vũ chưa sang định cư ở Mỹ, để chỉ những người chuyên đóng đàn Lute – tiền thân của cây Tây Ban Cầm hiện nay. Trong một căn phòng trên lầu, tôi thấy có khoảng gần một chục cây đàn, một nửa đã hoàn chỉnh. Cường cho biết, hai cây trong số đó là do anh em giới guitar Hà Nội đặt anh đóng cách đây khá lâu; số còn lại các guitarists người Việt bên Mỹ, Singapore đặt anh đóng qua e-mail, đợi họ về mang đi. Bên dưới nhà, một cậu có mái tóc dài… hơn một phân, đang dạo một điệu luân vũ Tây Ban Nha cho một cô bé có lẽ mới nhập môn guitar classic nghe. Hết bài, cậu chuyển sang điệu valse Venézolano Nam Mỹ sôi nổi. Cậu cũng đến nhờ Cường đóng cho một cây. Khi biết Q., người bạn cùng đi với tôi có ý định đóng một cây đàn, Cường nhìn Q. rồi lạnh lùng “phán” một câu mà nếu không bình tĩnh rất dễ bị… choáng: “Tôi thường chỉ đóng đàn cho sinh viên nhạc viện”. Nói là nói vậy chứ cuối cùng thì anh cũng đồng ý đóng cho Q. “OK! Không phải đặt cọc đâu, cho tôi số điện thoại, đúng một năm sau tôi gọi đến thử đàn”. Rồi Cường xoay sang cậu đầu trọc: “Còn cậu, cứ yên chí, khi nào cái đầu trọc của cậu… dài tóc ra thì hãy đến đây lấy đàn”. Không có cách nào khác. Với Cường, ai cũng vậy, phải… sắp hàng, không có ngoại lệ dù người đó là đệ nhất danh cầm Flamenco Việt Nam Trần Văn Phú. Trong máy vi tính của anh, tôi biết số người đặt đàn đã rất dài, trong khi một tuần anh chỉ làm được một cây. Nghe Cường trao đổi qua điện thoại, tôi biết anh cũng vừa nhận đóng cho T.C.A – tay guitar thiên về Flamenco một cây loại 600 USD, nhưng hẹn… 2 năm sau mới xong! Trong làng guitar cổ điển ai cũng hiểu rằng để tiếng đàn đạt được sự bay bổng, lãng mạn, phải chi li từng nốt nhạc, kể cả đó là một rừng hợp âm chi chít nốt móc ba. Trong nghề đóng đàn, Cường cũng tỉ mỉ như thế, không chỉ với cây đàn mà cả với người đến đặt đàn – người nào đến trước đóng trước, đến sau đóng sau. Duyên nợ với cây đàn Trước khi đến với nghề làm đàn, Luthier Cường từng là một guitarist. Qua tìm hiểu, tôi biết anh là một “kỹ sư Phú Thọ”. Những năm 80, thật lạ, trong khi người Sài Gòn khốn khổ vì “ngăn sông cấm chợ”, tất bật áo cơm, không hiểu sao tiếng đàn “guitar quý tộc” lại bùng lên một sức sống mãnh liệt, khởi đi từ cái nôi Nhà văn hóa Phú Nhuận. Nếu lấy cái thời vàng son đó của guitar classic Sài Gòn đem ra so, tôi chắc rằng không có một quốc gia nào trên thế giới yêu guitar cổ điển cho bằng người Việt Nam. Cây guitar ngự trong salon dần dà phổ biến đến giới lao động. Nhiều người chơi guitar, nhưng để có một cây đàn đánh được cho ra hồn không phải ai cũng có. Giá một cây guitar thuộc loại “hàng chợ” của Tây Ban Nha lúc bấy giờ cũng không dưới 2.000 đô. Còn cây đàn chính hiệu Ignacio Fleta, hiệu Ramirez mà “sư phụ” A.Segovia và học trò của ông là J.William, hay A.Ponce và nhiều danh cầm thế giới khác từng chơi, thì nên “quên đi”.

Ai đã phát minh ra âm nhạc?

SKĐS - Âm nhạc là phát minh của con người hiện đại, nhằm vào hai mục đích chính là vui vẻ và bổ ích, một yếu tố xa xỉ hơn là điều kiện cần thiết của cuộc sống. Nghiên cứu cho thấy rằng, tổ tiên chúng ta đã giao tiếp bằng âm nhạc trước khi phát minh ra ngôn ngữ, liên quan đến thể thức hôn nhân một vợ, một chồng. Sự khôn ngoan thường kể rằng âm nhạc là phát minh của con người hiện đại, nhằm vào hai mục đích chính là vui vẻ và bổ ích, một yếu tố xa xỉ hơn là điều kiện cần thiết của cuộc sống. Bằng chứng thể hiện rõ mồn một trên các tài liệu khảo cổ học. Trong khi chiếc rìu cầm tay có từ cách đây 1,7 triệu năm cho đến cách đây 500.000 năm thì các loại nhạc cụ sớm nhất chỉ mới độ 40.000 tuổi mà thôi. Nhưng nếu đào sâu hơn thì câu chuyện càng trở nên kỳ thú hơn. Trong khi nhạc cụ xuất hiện như một sự cách tân tương đối gần đây thì bản thân âm nhạc hầu như già cỗi hơn. Nghiên cứu cho thấy rằng, tổ tiên chúng ta đã giao tiếp bằng âm nhạc trước khi phát minh ra ngôn ngữ, liên quan đến thể thức hôn nhân một vợ một chồng nhằm giúp tạo ra một chất keo kết dính cần thiết cho sự xuất hiện của các xã hội tiền nhân loại. Ngoài ra còn có một bằng chứng cho thấy rằng nguồn gốc âm nhạc còn sâu sắc hơn chúng ta tưởng: một số con khỉ có thể nhận diện giữa các dạng thức âm nhạc theo những cách tương tự nhau và làm thế nào mà loài người có thể nhận diện sự khác biệt nhỏ giữa các giai điệu. Khi chúng ta tiếp cận với các bức tranh hang động thì đã nhận ra đó là những mảng màu hội họa chứa đầy tính tham vọng. Con người hiện đại cũng bắt đầu họa hình người và muông thú trên xương và ngà voi chỉ một thời gian ngắn khi họ đặt chân đến châu Âu. Để bắt kịp niềm đam mê mới với nghệ thuật thị giác, con người bắt đầu chế tác nhạc cụ từ xương và ngà voi. Ông Nicholas Conard tại Đại học Tübingen (Đức), người đã giúp khám phá nhiều minh họa tốt nhất về nhạc cụ sơ khai, cho biết: “Có một truyền thống âm nhạc rõ ràng. Ở Tây Nam nước Đức, chúng tôi có 8 loại sáo từ 3 địa điểm khác nhau”. Sản phẩm phụ của tiến bộ trí tuệ của con người? Những nỗ lực nghệ thuật ở cái nhìn đầu tiên dường như không ăn nhập gì hết với những thành công đáng kể từ người cổ đại Neanderthal. Thật vậy, một số nhà nghiên cứu đã lập luận rằng âm nhạc là một sản phẩm phụ vô dụng trong tiến bộ trí tuệ của con người. Tuy nhiên, đối với ông Conard và những người khác, âm nhạc và nghệ thuật là rất quan trọng vì chúng giúp con người hiện đại có thể làm giả mạo bản sắc nhóm và tin tưởng lẫn nhau để rồi có thể giúp họ cùng thành công. Những người anh em họ Neanderthal trở nên nghèo nàn bởi vì họ vất vả đấu tranh để thống nhất xã hội, nhưng lại thất bại sắc nét do thiếu đi nghệ thuật và âm nhạc. Thực vậy, ông Conard và những người khác nghĩ rằng câu chuyện có lẽ trở nên phức tạp hơn, họ lập luận rằng, nghệ thuật và các nhạc cụ âm nhạc đã xuất hiện ở châu Âu cách đây 40.000 năm và chắc chắn chúng phải bao gồm các truyền thống nghệ thuật sơ khai.