Vào mùa mua sắm cao điểm cuối năm, nhu cầu mua trả góp smartphone, tablet, tivi… tăng cao. Tuy nhiên, nếu không tìm hiểu kỹ lưỡng, người vay mua tiêu dùng sẽ rất dễ mắc bẫy lãi suất cao, lên tới 6-6,5% mỗi tháng thay vì từ 1-2% như tư vấn ban đầu của công ty tài chính.
Theo thông tin từ Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương, trong năm 2015, tranh chấp về dịch vụ tín dụng tiêu dùng là một trong những nội dung khiếu nại được tiếp nhận nhiều nhất.
Phản ánh của người tiêu dùng cho thấy, khi ký kết, nhân viên thường giải thích qua loa nội dung hợp đồng sau đó nhanh chóng đề nghị người tiêu dùng ký; khi ký kết trên hợp đồng có khi để khoảng trống, chỉ khi được cung cấp hợp đồng sau khi đã ký kết, người tiêu dùng mới phát hiện thấy thông tin về mức lãi suất thường từ 6-6.5%/tháng, thay vì từ 1-2%/tháng như tư vấn ban đầu.
Nhu cầu mua trả góp smartphone, tablet, laptop... tăng cao các dịp cao điểm. Ảnh: H.P.
Nhu cầu mua trả góp smartphone, tablet, laptop... tăng cao các dịp cao điểm. Ảnh: H.P.
Bên cạnh đó, khi xảy ra tranh chấp, việc liên hệ và phản ánh tới công ty cung cấp dịch vụ (thường là các công ty tài chính) rất khó khăn và tốn kém: tổng đài liên tục bận; lời thoại hướng dẫn rất dài; chỉ tiếp nhận phản ánh qua điện thoại, không hỗ trợ tiếp nhận trực tiếp tại văn phòng công ty hoặc email… Chính việc kéo dài thời gian giải quyết như vậy sẽ phát sinh thời gian, qua đó, làm tăng số tiền phạt mà người tiêu dùng phải nộp cho công ty trong một số vụ việc.