CEO Huỳnh Lâm Hồ của Haravan cho biết, năm 2013 anh bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh online, công việc phát triển khá tốt dẫn đến nhu cầu mở thêm cửa hàng offline.
Với một cửa hàng đầu tiên mọi chuyện diễn ra suôn sẻ, điều đó kích thích anh mở thêm nhiều cửa hàng mới. Sang đến năm thứ 2, khi đã có tổng cộng 3 cửa hàng, hàng đống rắc rối xảy ra trong việc quản lý đơn hàng đến từ các kênh khác nhau, hàng tồn kho, khách hàng, chi phí, nhà cung cấp...
Từ cảm hứng này, Huỳnh Lâm Hồ và nhóm sáng lập gồm 10 người đã cho ra đời Haravan với mục tiêu đầu tiên: Ai cũng có thể làm web. Sau 1 năm ra mắt, đến nay, Haravan có hơn 30.000 người dùng đã trải nghiệm ứng dụng và khoảng 2.500 người dùng thường xuyên trả phí, mức phí trung bình là 250.000 đồng/tháng.
CEO Huỳnh Lâm Hồ dẫn chứng trường hợp 1 người bán món ăn vặt của Sài Gòn với website về bánh tráng trên Haravan. Ông chủ bán đồ ăn vặt này đã tự tạo 1 website, sử dụng gói dịch vụ nhỏ nhất 99.000 đồng/tháng. Mua tên miền 200.000 đồng, dùng giao diện miễn phí của Haravan, sử dụng ứng dụng miễn phí kiểm tra đơn hàng bằng số điện thoại, sử dụng ứng dụng chat với khách hàng cũng đang miễn phí cho 1 account. Chi phí mà ông chủ này bỏ ra chỉ hết 1,388 triệu đồng/năm.
Theo đó, Haravan tạo ra nền tảng hệ thống cơ bản trong việc xây dựng 1 website bán hàng. Trong đó các hướng dẫn hoàn toàn bằng tiếng Việt, kho giao diện với hơn 100 giao diện mẫu của tất cả các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, khách hàng chỉ việc chọn giao diện và sử dụng, có thể tạo sự khác biệt bằng việc tự đổi màu website, font chữ.
Với cách đi mà CEO Huỳnh Lâm Hồ đang điều hành Haravan, đó là cung cấp nền tảng xây dựng website bán hàng, để ai cũng có thể kinh doanh trên website, facebook dễ dàng, với chi phí rẻ, những cái bắt tay kiểu này chắc chắn còn tiếp tục.