0
Following
1
Follower
0
Boost

Tự chủ tuyển sinh – làm sao cho đúng?

Để có cái nhìn khác về “tự chủ” tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014, chúng tôi xin giới thiệu nguyên văn bài viết của TS. Lê Trường Tùng – Hiệu trưởng trường ĐH FPT. “Chung” vẫn là tốt… Hiện nay có nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi về phương án tuyển sinh đại học tự chủ 2014, đặc biệt là từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp cho báo chí tóm tắt dự thảo phương án kết hợp thi chung với thi riêng. Theo dự thảo này, trong năm 2014, các trường có nguyện vọng tuyển sinh riêng cần xây dựng và trình dự án, nếu Bộ phê duyệt thì được tiến hành, còn nếu chưa được duyệt – hoặc chưa có phương án thi riêng - thì vẫn tuyển sinh theo phương thức thi “3 chung” như các năm trước. Bộ cũng cho biết dự kiến sẽ duy trì kỳ thi “3 chung” thêm 3 năm nữa đến 2017. Phương án thi đại học chung hay riêng – thực chất là đang xoay quanh việc làm thế nào thực hiện quyền tự chủ của các trường đại học được ghi trong Luật Giáo dục Đại học (có hiệu lực từ 1/1/2013), và được nhấn mạnh trong Nghị quyết 29/NQ-TW của Hội nghị Trung ương 8 tháng 11 năm 2013 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Hiện nay đa số các trường công lập vẫn bằng lòng với thi “3 chung” – và do các trường công lập chiếm tới hơn 80% tổng số 400 trường đại học- cao đẳng – cho nên có thể nói đa số các trường đại học cao đẳng hiện nay đều đang bằng lòng với thi “3 chung” và không có nhu cầu thay đổi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có tính nhầm?

Cuối tháng 12 năm 2013, trong Hội nghị Tổng kết năm học 2012-2013 các trường ĐH, CĐ diễn ra tại Hà nội, Bộ GD&ĐT cho biết: “toàn quốc có 562.499 thí sinh có kết quả thi đạt từ điểm sàn đại học trở lên. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ đại học là 348.859. Như vậy, tỷ lệ giữa số thí sinh đạt từ điểm sàn đại học trở lên so với chỉ tiêu là 161,23%”. Lượng thí sinh “dư dôi” giữa số thí sinh có điểm thi đại học từ sàn trở lên (562.499) so với tổng chi tiêu đại học (348.859) là gần 214 ngàn. Sau khi công bố điểm sàn, Bộ yên tâm với hệ số “dư dôi” như vậy thì các trường sẽ không khó tuyển sinh như năm 2012. Lãnh đạo của Bộ GD&ĐT khẳng định: “điểm sàn được tính toán để vừa đảm bảo nguồn tuyển tối ưu cho các trường, vừa đáp ứng thí sinh có đủ năng lực theo học ĐH, CĐ”. Báo chí đua nhau giật tít: “Bội thu trúng tuyển ĐH, CĐ”, “cơ hội thí sinh vào ĐH, CĐ năm nay được coi là dễ nhất trong các năm vừa qua”, “thả cửa vào đại học”… Nhưng tuyển sinh thì thất bát Năm 2013, các trường đại học tuyển được 324.059 thí sinh, chỉ đạt 92,9% chỉ tiêu. Nếu tính riêng các trường đại học ngoài công lập thì chỉ tuyển được 72,5%, trong đó có 25/52 trường tuyển dưới 50%. Tính cả đại học và cao đẳng thì có gần 100 trường chỉ tuyển dưới 50% chỉ tiêu. Các trường tuyển không đủ thí sinh cứ băn khoăn với câu hỏi “thí sinh đi đâu?”. Năm 2013, các trường đại học cả nước tuyển thiếu khoảng 25 ngàn so với chỉ tiêu đặt ra, trong khi theo tính toán của Bộ thì có đến 214 ngàn thí sinh ”dôi dư”. Các thí sinh có điểm thi không thấp hơn hơn điểm sàn nhưng không vào đại học chắc sẽ không chuyển hết xuống học cao đẳng, vì kết quả tuyển cao đẳng 2013 còn bi đát hơn: cả nước chỉ tuyển được 166 ngàn, con số này bằng 62% chỉ tiêu 2013 và chỉ bằng 83% năm 2012. Cũng chẳng phải là do tích cực đổ xô đi du học nước ngoài theo chủ trương của Nghị quyết 29/NQ-TW “Khuyến khích việc học tập và nghiên cứu ở nước ngoài bằng các nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước“, vì tháng 11 Nghị quyết mới ban hành lúc đa số thí sinh đã nhập học xong rồi. Ở nhà chờ thi đại học năm sau chắc cũng không được bao nhiêu, đa số thí sinh sẽ nhập học vào một trường đại học nào đó, sang năm tạm ngưng để thi đại học tiếp cho chắc ăn.

Bốn vấn đề nóng của ngành giáo dục được gửi tới PTT Vũ Đức Đam

Thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương 8 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Hiệp hội Giáo dục vì mọi người đã mời các nhà khoa học đầu ngành về giáo dục đào tạo, các nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia giáo dục ở Trung ương và địa phương góp ý cho việc thực hiện chủ trương đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo Việt Nam trong thời gian tới. Chủ trì buổi hội thảo này là PGS. Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT. Xuất phát từ những yêu cầu cấp bách của nền giáo dục, PGS. Nhĩ cho biết, những ý kiến tâm đắc nhất sẽ được tập hợp và gửi cho Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, với kỳ vọng Chính phủ sẽ có chỉ đạo sát sao nhất, ráo riết nhất về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời gian tới. Hội thảo đã đề cập tới bốn vấn đề: Thứ nhất, đổi mới cơ cấu hệ thống giáo dục từ mầm non đến đại học, phân luồng và phân ban ở THPT. Thứ hai, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp, đánh giá thi cử, tuyển sinh Đại học, Cao đẳng, vấn đề liên kết, liên thông trong đào tạo. Thứ ba, đổi mới hệ thống sư phạm, trường quản lý giáo dục, đào tạo lại giáo viên, cán bộ quản lý, chế độ chính sách đối với giáo viên và sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng sư phạm. Thứ tư, xã hội hóa giáo dục, tạo nguồn lực đáp ứng điều kiện dạy và học trong đổi mới.

Tổ chức lại hệ thống trường Sư phạm như thế nào?

Trong nội dung này, xác định đây là một trong những vấn đề quan trọng để quá trình đổi mới giáo dục thành công. Trao đổi với chúng tôi, PGS. Trần Xuân Nhĩ cho biết, ngoài việc tổ chức lại hệ thống trường sư phạm, viện đào tạo cán bộ quản lý, đào tạo lại giáo viên phục vụ chương trình đổi mới thì chế độ chính sách cho giáo viên cũng rất quan trọng. Mỗi năm đào tạo lại từ 10-15% đội ngũ giáo viên Theo đề xuất, Nhà nước cần quan tâm tạo điều kiện đầy đủ cho các khoa, các trường đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý. Có thể quy hoạch lại khoảng 25-30 trường Đại học Sư phạm đào tạo lại giáo viên từ mầm non đến THPT (không nên để mỗi tỉnh có 1 trường sư phạm đào tạo giáo viên như hiện nay) và do Bộ trực tiếp quản lý. Trường sư phạm phải có đầy đủ cơ sở vật chất. Học sinh học ở trường sư phạm phải được ở nội trú hoàn toàn. Phải xem việc ăn ở nội trú là hình thức góp phần đào tạo nhân cách người thầy giáo. Để tuyển được những học sinh giỏi vào sư phạm phải có chế độ chính sách thỏa đáng: sinh viên không phải đóng học phí, được học bổng, học xong được tuyển dụng và trở thành công chức không phải thi tuyển. Giáo viên được hưởng thâm niên, được phụ cấp đứng lớp, phụ cấp vùng, phụ cấp trang phục,giáo viên được tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân cần được kèm theo phụ cấp lương hoặc tăng lương sớm... Từ năm học 2014-2015 tổ chức đào tạo lại cho tất cả giáo viên các cấp có tuổi đời dưới 50 tuổi đối với nam, 45 tuổi đối với nữ trong thời gian 1 năm. Mỗi năm đào tạo lại từ 10-15% đội ngũ giáo viên hiện hữu. Giáo viên đạt chuẩn được hưởng mức lương cao nhất (có thể tương đương với quân đội).

Miễn thi tốt nghiệp: Chẳng khác gì mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực?

Vừa qua, Bộ GD&ĐT đưa ra dự thảo quy định đổi mới phương pháp thi và công nhận tốt nghiệp THPT, trong đó quy định tỷ lệ được miễn thi tốt nghiệp ở mỗi Sở GD&ĐT là 20%, số này là những học sinh khá, giỏi, nên việc thi thì kiểu gì cũng đỗ, do vậy miễn thi số này để tiết kiện 20% cho công tác phục vụ thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến nhà giáo bày tỏ dự thảo quy định miễn 20% thí sinh có thành tích học tập khá, giỏi ở bậc phổ thông không phải thi tốt nghiệp là điều không cần thiết. Làm như vậy sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực trong việc nâng đỡ kết quả học tập, chạy điểm, chạy thầy cô để có được kết quả tốt. Trao đổi với chúng tôi TS. Nguyễn Tùng Lâm, hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cho biết ông không đồng tình với quy định miễn thi 20%/mỗi Sở GD&ĐT. Làm như vậy là không công bằng, thay vào đó Bộ GD&ĐT hãy trả xét tốt nghiệp cho các trường theo định mức, theo tiêu chuẩn của bộ, để vai trò các trường được chủ động hơn. Nếu các trường được chủ động mới có thể đánh giá đúng học trò, từ đó học sinh buộc phải học toàn diện, buộc phải rèn luyện toàn diện. TS. Nguyễn Tùng Lâm so sánh, vì kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi công nhận hoàn thành chương trình THPT, do vậy không nên cộng điểm ưu tiên, khuyến khích hay xếp loại, càng không nên đưa vào tiêu chí xem xét thi đua của các địa phương. “Chắc chắn các trường không thể công nhận tốt nghiệp quá 98% như của Bộ được, Bộ không cần khống chế mà chỉ cần giao đúng tiêu chuẩn, những học sinh nào yếu kém, lười thì sang năm phải học lại. Tuy nhiên, kèm theo đó trong năm nay có thể áp dụng phương án thi 4 môn như trong dự thảo” TS. Tùng Lâm cho biết. Theo kiến nghị của TS. Nguyễn Tùng Lâm, kỳ thi tốt nghiệp THPT nên thi bốn môn, trong đó có hai môn ngữ văn, toán thi bắt buộc. Hai môn còn lại thí sinh được tự chọn trong số các môn ngoại ngữ, vật lý, hóa học, lịch sử, địa lý, sinh học. Nếu áp dụng cách này, đa số học sinh thành phố sẽ vẫn thi ngoại ngữ, nhưng học sinh các vùng không có điều kiện dạy học tốt ngoại ngữ sẽ chọn môn khác.

"Bộ GD&ĐT phải đổi mới tư duy quản lý và cần phải làm ngay"

LTS: Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 và tổng kết năm học các trường đại học, cao đẳng: “Nếu muốn có một khâu đột phá thì trước hết cùng với đổi mới thi cử thì trước hết đột phá ở quản lý, đổi mới ngay tại Bộ GD&ĐT đầu tiên”. Để làm rõ hơn câu chuyện đổi mới giáo dục và đổi mới trong quản lý hệ thống giáo dục, PV Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Tiến Luận – Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Nguyễn Trãi. PV: Thưa TS Nguyễn Tiến Luận, ông có đồng tình với phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là cần phải đột phá ở khâu quản lý, mà cụ thể là đổi mới ngay tại Bộ GD&ĐT? TS Nguyễn Tiến Luận: Câu chuyện đổi mới giáo dục đã được nói rất nhiều từ khi đất nước hội nhập WTO, nhưng tới giờ kết quả đạt được chưa đáng kể. Vì vậy, những người làm công tác giáo dục như chúng tôi rất cảm ơn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói trúng vấn đề cốt lõi của sự đổi mới, muốn thành công phải xuất phát từ chính Bộ GD&ĐT. Đầu thập kỷ 90, tôi là là người đầu tiên được cấp phép đưa các em học sinh ra nước ngoài du học tự túc. Lúc đó có nhiều cơ quan chức năng đã hỏi tôi là đưa các em đi rồi thì có trở về không? Có bị tiêm nhiễm những luồng tư tưởng độc hại không? Rất nhiều rào cản được dựng lên, nhưng Chính phủ đã cho phép chúng tôi thử nghiệm mô hình đó và kết quả đã đưa gần 20.000 du học sinh ra nước ngoài, và cả nước lúc nào cũng có khoảng 100.000 du học sinh đang theo học ở nước ngoài. Điều ấy cho thấy Chính phủ rất quyết tâm đổi mới giáo dục. Tuy nhiên, phải nói thật là xuống tới bộ ngành, địa phương thì lại chưa được như vậy. Tôi đơn cử thí dụ về vấn đề tuyển sinh, chúng ta cứ loay hoay mãi chuyện thi ba chung hay bỏ ba chung, thế rồi dẫn tới chuyện luật nói tự chủ giáo dục đại học, nhưng thực tế lại diễn ra kiểu khác, vì vẫn phải chờ đợi vào đề thi của bộ, cái sàn của bộ đề ra hàng năm, làm như vậy là vô hiệu hóa về luật, là rào cản cho sự đổi mới của tư duy quản lý. Tôi nghĩ là Bộ Giáo dục đã có nhiều nỗ lực, nhưng cần phải đổi mới hơn nữa, cụ thể là chuyển từ cơ chế quản lý có phần khô cứng như hiện nay sang cơ chế linh hoạt hơn, tức là cùng đồng hành với các trường, đặt niềm tin vào các trường nhiều hơn. Giá trị của một ngôi trường là thương hiệu. Ai đánh giá thương hiệu ấy? Đó là cơ quan quản ý nhà nước, nhưng trên hết thì nó phải giành được sự tin tưởng, yêu mến của các em sinh viên và phụ huynh, đó mới là điều quan trọng nhất.