Phim "Cô bé Oshin dũng cảm" phiên bản điện ảnh.
Oshin là bộ phim truyền hình Asadora thứ 31 của đài NHK. Bộ phim là câu chuyện có thật kể về cuộc đời của một người phụ nữ được sinh ra trong một gia đình bần nông tại Nhật Bản. Người phụ nữ này đã trải qua mọi khó khăn thử thách nghiệt ngã nhất cũng như những cay đắng cuộc đời để đạt được thành công trong sự nghiệp và cuộc sống. Bộ phim được chiếu ở Nhật vào những năm đầu thập niên 80 khi Nhật vừa trải qua những năm tháng hậu chiến nặng nề và nền kinh tế bắt đầu có chuyển biến tích cực. Mục đích của bộ phim là muốn gợi nhớ lại những gian khổ của những thế hệ đi trước phải chịu đựng để các thế hệ sau có thể có được cuộc sống như ngày hôm nay. Một số người Nhật đã lo lắng rằng việc phát sóng Oshin sẽ hạ thấp quốc gia khi bộ phim lột tả một Nhật Bản đói nghèo, lạc hậu và đáng xấu hổ trong quá khứ. Tuy nhiên, trái ngược với nhưng lo lắng trên, khi được khởi chiếu, Oshin đã tạo nên một làn sóng hâm mộ không chỉ trong nước mà còn tan tỏa sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới một số quốc gia trên thế giới. Oshin đã trở thành một bộ phim đem hình ảnh và tinh thần ý chí người Nhật đến với bạn bè quốc tế và được thán phục ở bất cứ quốc gia nào mà bộ phim được chiếu, trong đó có Việt Nam.
Phiên bản điện ảnh của bộ phim Oshin nổi tiếng từng được công chiếu ở Việt Nam cách đây gần 30 năm đã được ra mắt công chúng vào năm 2013. Phiên bản truyền hình của bộ phim được chiếu ở Việt Nam năm 1994và được nhận xét là “gây hiệu ứng lớn đến mức người dân thành thị hầu như đã bỏ qua cụm danh từ “người giúp việc gia đình” và dùng Oshin như một từ nghiễm nhiên thay thế. Oshin gắn bó sâu sắc với thế hệ gia đình Việt Nam thập niên 90, vẫn còn ghi dấn ấn mạnh mẽ qua 2 thập niên phát triển kinh tế song song với nỗi ám ảnh đói nghèo ở nông thôn và thân phận người phụ nữ trong xã hội. ” (báo Vietnamnet).
Ở bản điện ảnh, thông điệp về lòng dũng cảm của cô bé, thân phân của người phụ nữ trong xã hội Nhật Bản những năm đầu thế kỷ 20 được khắc họa rõ ràng, chân thực và rất cảm động.Ở bản điện ảnh, thông điệp về lòng dũng cảm của cô bé, thân phân của người phụ nữ trong xã hội Nhật Bản những năm đầu thế kỷ 20 được khắc họa rõ ràng, chân thực và rất cảm động.
So với phiên bản truyền hình, phiên bản điện ảnh chỉ tập trung vào cuộc sống của cô bé Oshin lúc mới bắt đầu đi làm thuê cho nhà khác chứ không kéo dài đến lúc Oshin trưởng thành. Do thể hiện dưới phiên bản điện ảnh, thời lượng chỉ hơn 1 tiếng 45 phút nên có một số đoạn nếu người xem chưa từng xem qua bản cũ hoặc không đọc giới thiệu trên mạng có thể gặp chút khó hiểu. Ví dụ như đoạn đầu phim, nhân vật mẹ Oshin đã đứng ngâm mình dưới con suối lạnh để phá thai do gia đình Oshin đã quá nghèo, không thể sinh thêm em bé nữa. Đoạn biến đổi tâm lý cuối phim của Oshin khi nhìn thấy mẹ làm bếp trong ánh nắng mai…
Phiên bản điện ảnh kể lại cuộc đời Oshin trong khoảng từ năm 1907 đến 1909, khi Oshin mới lên 7 tuổi – rất muốn đi học – nhưng lại buộc phải đi ở đợ để kiếm tiền và gạo về cho gia đình. Lúc đầu em không muốn xa mẹ, xa bà, nhưng sau em đã nhất quyết đòi đi để gia đình đỡ khổ. Trước khi đi, mẹ cho em một bộ kimono mới, bà cho em một đồng 50 yên, Oshin đã khóc nhưng ánh mắt vẫn kiên cường, dứt khoát. Bố Oshin là người đàn ông lạnh lùng, cứng rắn, đã rất nghiêm khắc với Oshin, nhưng ngày em lên chiếc bè để người ta chở đi, ông cũng chạy theo một đoạn dài, quỳ xuống khóc và nói “Cố lên con!” rất cảm động. Cảnh này làm mình nhớ đến truyện “Tắt đèn”, khi chị Dậu phải đem bán cái Tí đi để đủ tiền đóng thuế. Đúng là xa con thì lòng cha mẹ nào cũng đau như cắt. Tiền công của em là 5 bao gạo 1 tháng cho cả gia đình.
Cuộc sống đi làm người ở của Oshin lúc đầu gặp nhiều khó khăn, em làm việc vất vả nhưng không được ăn uống tử tế (hình ảnh Oshin ăn vài hạt cơm, Oshin đang ngủ cạnh đứa trẻ con thì bị đá dậy) rất đáng thương. Đỉnh điểm của sự khổ nhục khiến Oshin bỏ đi trong cơn bão tuyết để tìm đường về nhà là việc bà chủ nghi em lấy cắp 50 yên, khi bà lột áo em ra thì thấy đồng 50 yên mà bà Oshin đã cho từ trước. Trên đường tìm về nhà như một bản năng, Oshin mệt quá đã gục giữa tuyết trắng và được hai cha con nhà nọ cứu về. Ở đây, Oshin được chăm sóc, dạy chữ, và được anh trai tặng một chiếc kèn Harmonica. Sau này khi tiếp tục đi làm người giúp việc cho một nhà mới, thật may mắn đây là một nhà chủ tốt, Oshin đã được đối xử tử tế và được bà chủ cho phép học đọc cùng cô chủ. Đây cũng là giai đoạn tâm lý của Oshin trải qua những biến động lớn, càng hun đúc thêm tinh thần dũng cảm, ý chí nghị lực phi thường của Oshin. Em đã bàng hoàng không tin vào mắt mình khi thấy mẹ em mặc đẹp, trang điểm, đỡ một người đàn ông loạng quạng rượu say. Oshin nhớ mãi lời bà chủ của em bảo rằng “Người phụ nữ dù họ có làm gì, thì cũng là vì chồng, vì con, vì gia đình. Họ không bao giờ vì bản thân mình cả”.
Cuối phim, Oshin được nhà chủ cho về nhà gặp bà của em trước khi mất, em đã chạy bộ một quãng đường rất dài để về với bà – người bà được ăn muỗng cháo nấu từ gạo do chính Oshin kiếm được – nhưng không kịp. Cái mất của bà và hình ảnh người mẹ làm bếp trong nắng sớm ngày hôm sau đã khiến Oshin, cũng như người xem, hiểu ra nhiều điều: rằng người phụ nữ Nhật Bản lúc bấy giờ có một sức sống mạnh mẽ, một sự chịu đựng lớn lao có thể vượt qua bất kỳ thử thách nào. Mình có đọc được ở một bài viết, “Nhật Bản đã mạnh mẹ hơn nhờ những giọt nước mắt ấy” – giọt nước mắt của những người phụ nữ ở nhiều thế hệ, giai đoạn khác nhau: từ tấm bé như Oshin, khi trưởng thành như mẹ Oshin và cả khi về già như bà của Oshin. Bộ phim thực sự lay động và chạm vào cảm xúc của người xem. Hãy chuẩn bị khăn giấy nếu bạn định xem bộ phim này nhé! ;)~~^^~~
Source: Tổng hợp từ Internet